Quá trình tham gia cách mạng Trần_Quý_Kiên

Ông tên thật là Đinh Xuân Nhạ sinh năm 1911 tại Bến Nứa, Hà Nội, gốc là người dòng họ Đinh Xuân ở làng Phượng Vũ, xã Phượng Dực, huyện Phú Xuyên, tỉnh Hà Đông (nay thuộc thành phố Hà Nội). Khi hoạt động cách mạng, ông lấy tên là Trần Quý Kiên và 1 bí danh khác là Dương văn Ty .

Là một trong những nhà cách mạng tiền bối của đảng Ông Đinh Xuân Nhạ tham gia phong trào yêu nước từ đầu năm 1929. vào đảng 5.1930 ngay khi Đảng vừa mới thành lập .Ông hoạt động trong Đội Tuyên truyền Xung Phong cùng các đồng chí : Giang Đức Cường, Lê Đình Tuyển, Trường Chinh...vv. (Đội Tuyên Truyền Xung Phong chính là tổ chức tiền thân của Ban Tuyên huấn Thành ủy Hà Nội sau này) [2].

Tháng 10.1930, Đinh Xuân Nhạ phụ trách một nhóm xung kích của Đảng diễn thuyết đấu tranh giải phóng dân tộc tại trường Bách Nghệ Hà Nội, ủng hộ đấu tranh của đồng bào Xô Viết Nghệ Tĩnh[3]. Thực dân Pháp bắt được Đinh Xuân Nhạ và kết án ông 10 năm tù, giam tại nhà tù Hỏa Lò, rồi chuyển đi Hải Phòng. Tại nhà tù Hải Phòng 21/12/1931 Ông cùng các đồng chí : Lê Thanh Nghị, Lê Duẩn (TBT), Vũ Thiện Chân, Khuất Duy Tiến.... cùng nhiều tù nhân khác đấu tranh trong tù.[4] Cai tù bắn chết 9 người, sau đó cùm chân tất cả những người còn lại trong suốt 1 tháng rồi chuyển về lại nhà tù Hỏa lò.

Năm 1936 ra tù Trần Quý Kiên lại bắt được liên lạc với Nguyễn Văn Cừ, Lương Khánh Thiện, Trường Chinh (TBT), Tô Hiệu, Hoàng Văn Nọn,....v.v và tiếp tục hoạt động.

Tháng 8.1936, Trần Quý Kiên là một trong ba người chủ chốt cùng Nguyễn Văn Cừ (tổng bí thư của đảng 1938-1941) và Nguyễn Văn Minh (một đảng viên cộng sản vừa từ nước Nga về) thành lập ra cơ quan lãnh đạo lâm thời của Xứ Ủy Bắc Kỳ lấy tên là Ủy ban Sáng Kiến nhằm khôi phục Thành ủy Hà Nội, thành ủy Hải phòng và tổ chức đảng ở các địa phương khác. Ba ông đã quy tụ được nhiều hạt giống của đảng, trong đó có Nguyễn Văn Linh (sau này là Tổng Bí Thư của đảng 1986-1991), người tại thời điểm này được phân công là cán bộ giúp việc cho các đồng chí lãnh đạo của Ủy ban Sáng Kiến.[5]. Từ hạt nhân là Ủy ban Sáng Kiến, Trần Quý Kiên và các đồng chí đã tổ chức thành lập lại hầu hết các cơ quan chủ chốt chính của Đảng tại Bắc Kỳ đã bị phá vỡ trước đó.

Tháng 3.1937 Trần Quý Kiên tham gia tổ chức thành lập lại Xứ Ủy Bắc Kỳ.[6]

Tháng 3.1937 Trần Quý Kiên đồng thời tham gia thành lập Thành ủy Hà Nội và giữ cương vị Xứ Ủy viên Bắc Kỳ - Thường vụ Thành Ủy Hà Nội, phụ trách tổ chức và xây dựng cơ sở Đảng.[7]

Tháng 4.1937, Trần Quý Kiên và Hoàng Quốc Việt là hai Xứ Ủy viên Bắc Kỳ được Xứ Ủy cử xuống tăng cường trực tiếp tổ chức thành lập lại Thành ủy Hải Phòng.[8]

Tháng 11.1937 Trần Quý Kiên tham gia tổ chức thành lập Liên Xứ Ủy Bắc Kỳ - Bắc Trung Kỳ (Ông là ủy viên của liên Xứ Ủy và tham gia vào "Ủy ban hành động" cùng hai ông Nguyễn Văn Cừ (TBT) và Nguyễn Văn Minh). Ủy ban này có nhiệm vụ khôi phục và củng cố tổ chức đảng ở miền Bắc).[9]

Năm 1938 Trần Quý Kiên thay mặt cho Xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp về Đa Phúc (Quốc Oai) công nhận chi bộ dự bị do Phan Trọng Tuệ làm Bí thư tại đây thành chi bộ chính thức, tạo điều kiện thúc đẩy phong trào cách mạng ở Huyện Quốc Oai, các huyện trên địa bàn tỉnh Sơn Tây, Hà Đông, Hà Nội [10].

Năm 1938 vừa tròn 27 tuổi Trần Quý Kiên được bầu vào Ban Thường vụ Xứ Ủy Bắc Kỳ với hai người khác là Hoàng Văn ThụLương Khánh Thiện[11]. Đây là ban lãnh đạo cao nhất của Đảng tại Bắc Kỳ, trong giai đoạn nay chỉ gồm có ba người.

Cũng năm 1938 khi cơ cấu tổ chức Thành Ủy Hà Nội kiện toàn ,Trần Quý Kiên lúc này 27 tuổi được giao trọng trách Bí thư Thành Ủy Hà Nội .[1] Dưới cương vị Thường vụ Xứ ủy Bắc Kỳ kiêm Bí thư Thành Ủy Hà Nội, Trần Quý Kiên đã chỉ đạo phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động bí mật với hoạt động tuyên truyền công khai. Bộ phận báo chí tuyên truyền công khai lúc này do Trường Chinh (người giữ chức vụ Xứ ủy viên tại thời điểm này [12]) phụ trách. Nhờ đó các cơ sở đảng của Xứ ủy phát triển nhanh chóng và kết nạp được nhiều thành viên ưu tú của Hội Ái Hữu ngành nghề trong giai đoạn này như: Hà Kế Tấn, Văn Tiến Dũng, Nguyễn Văn Trân, Trần Đăng Ninh, Nguyễn Đức Thuận...( Văn Tiến Dũng là người được ông bồi dưỡng và kết nạp vào đảng vào cuối 1937. sau này trở thành Đại Tướng Ủy Viên Bộ Chính Trị)

Vào những năm 1930-1940 Trần Quý Kiên là Bí thư Thành Ủy Hà Nội duy nhất vượt qua được máy chém tàn bạo của Thực Dân và trở thành một trong hai người giữ chức vụ Bí thư Thành Ủy Hà Nội lâu nhất cùng với Lương Khánh Thiện trong giai đoạn hoạt động bí mật của Đảng (1930-1945).

Tháng 9.1939 chiến tranh thế giới thứ 2 bùng nổ, thực dân Pháp đẩy mạnh đàn áp phong trào cách mạng thuộc địa. Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ quyết định phân công Trần Quý Kiên và Lương Khánh Thiện về xây dựng căn cứ bí mật tại Phù Ninh Phú Thọ.[13]

Tháng 6.1940 trong một lần đi công tác ông bị Pháp bắt lần thứ hai. Trong tù Trần Quý Kiên đã cùng Chu Đình Xương, Trần Quốc Hoàn (lúc này là Phó bí thư thành ủy Hà Nội) lãnh đạo tù nhân ở Đề Lao Bắc Giang đấu tranh chống lại vào những năm 1941-1942. Lo sợ, thực dân Pháp đã chuyển ông lên nhà tù Sơn La, rồi về Nghĩa Lộ.[14]

Trong 15 năm hoạt động bí mật của Đảng từ 1930-1945 ông đã bị thực dân pháp bắt hai lần. chúng đã giam cầm ông 11 năm tại sáu nhà tù khác nhau cho tới khi Ông và các đồng chí vượt ngục vào 3.1945 khi Nhật đảo chính Pháp.[15]

Sau khi vượt ngục tháng 4.1945 Trần Quý Kiên nhận trách nhiệm Bí thư Chiến khu Quang Trung(bao gồm 3 tỉnh Hòa Bình,Ninh Bình, Thanh Hóa) cùng hai tỉnh khác là Sơn La và Lai châu. Lúc này ông lấy bí danh là Dương Văn Ty. [16].

Tháng 9.1945 ông nhận trách nhiệm mới là đại điện cho chính phủ lãnh đạo một đoàn cán bộ Xứ Ủy Bắc Kỳ lên giải phóng Sơn La và Lai Châu (lúc đó có Ông Lê Trọng Tấn đang là phụ trách về quân sự tại Sơn La) ngày 9.10.1945 ông đã lãnh đạo các lực lượng yêu nước tổ chức mít tinh giành được chính quyền Cách Mạng Đầu tiên cho tỉnh Sơn La.[17] sau đó ông lên Lai Châu và thành lập chính quyền cách mạng đầu tiên tại huyện Quỳnh Nhai là một huyện thuộc tỉnh Lai Châu lúc bấy giờ.

Cuối 1946 sức khỏe yếu Trần Quý Kiên về làm Bí thư tỉnh Quảng Yên (Quảng Ninh) lãnh đạo chống Pháp cùng với các đồng chí Tô Quang Đẩu, Trịnh Tam Tỉnh, Trần Quốc Thảo.

Sau đó Trần Quý Kiên phụ trách đảng ủy của 2 tỉnh Hải Dương và Hưng Yên. rồi phụ trách đảng ủy của 2 tỉnh Kiến An và Thái Bình.[18]

Trần Quý Kiên và chủ tịch Hồ Chí Minh trong một chuyến công tác.

Năm 1948 Trần Quý Kiên giữ trọng trách Trưởng ban Kiểm Tra Đảng của Liên khu 3 (bao gồm 12 tỉnh đồng bằng bắc bộ và 1 tỉnh miền núi là tỉnh Hoà Bình)[18]

Tháng 7.1949 Trần Quý Kiên phụ trách ban Căn Cứ Địa Trung ương (Việt Bắc), thủ trưởng cơ quan An Toàn Khu.[19] (gồm 6 tỉnh Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên, Lạng Sơn, Tuyên Quang, Hà Giang).

Tháng 11.1950 Trần Quý Kiên giữ chức Bí thư Đảng ủy Khối Dân Chính Đảng các cơ quan Trung ương[18] đồng thời tham gia vào chính phủ với tư cách Thứ trưởng phó Văn phòng thủ tướng phủ ( lúc này thủ tướng chính phủ là Ông Hồ chí minh).[20]

Tháng 4.1951 Trần Quý Kiên được bổ nhiệm là Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng cùng với ông Hoàng Quốc Việt,Nguyễn Chí Thanh, Lê Khắc...vv.[21]

Cuối năm 1952 bị ốm sau nhiều năm hoạt động Cách mạng liên tục, Trần Quý Kiên được Đảng và Chính phủ đưa đi chữa bệnh ở nước ngoài một thời gian dài.

Về nước Trần Quý Kiên nhận trách nhiệm thay mặt Chủ tịch nước và Thủ tướng đi điều tra sửa sai trong công tác cải cách ruộng đất tại tỉnh Vĩnh Phúc.[22]

Năm 1958 Trần Quý Kiên nhận trách nhiệm Bí thư Đảng Đoàn Thứ trưởng thứ nhất bộ Thủy Lợi và điện lực.[23]

Ông bị bệnh và mất tại Hà Nội năm 1965.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Trần_Quý_Kiên http://baotanghochiminh.vn/TabId/495/ArticleId/680... http://vpcp.chinhphu.vn/Home/Thu-tuong-phu-trong-k... http://antgct.cand.com.vn/Nhan-vat/Tri-tue-nhan-va... http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/664975/do... http://hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Chinh-tri/813388/da... http://www.nxbhanoi.com.vn/chi_tiet_tin/tabid/204/... http://thoibaovietlangnghe.com.vn/tin-tuc/truy-tan... http://vanhoanghean.com.vn/index.php?option=com_k2... http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/tu-lieu-ve-... http://dangcongsan.vn/tu-lieu-van-kien/tu-lieu-ve-...